DẤU ẤN CUỘC ĐỜI

Thông báo lỗi

  • Notice: Trying to access array offset on value of type int in element_children() (line 6591 of /home/cdytehatinhedu/public_html/includes/common.inc).
  • Notice: Trying to access array offset on value of type int in element_children() (line 6591 of /home/cdytehatinhedu/public_html/includes/common.inc).
  • Notice: Trying to access array offset on value of type int in element_children() (line 6591 of /home/cdytehatinhedu/public_html/includes/common.inc).
  • Notice: Trying to access array offset on value of type int in element_children() (line 6591 of /home/cdytehatinhedu/public_html/includes/common.inc).
  • Notice: Trying to access array offset on value of type int in element_children() (line 6591 of /home/cdytehatinhedu/public_html/includes/common.inc).
  • Deprecated function: implode(): Passing glue string after array is deprecated. Swap the parameters in drupal_get_feeds() (line 394 of /home/cdytehatinhedu/public_html/includes/common.inc).
Viết bởi vogiap84 - Th2 23, 2018

DẤU ẤN CUỘC ĐỜI

       Tôi không biết bắt đầu từ đâu, từ bao giờ, chỉ biết cảm xúc sau 45 năm trỗi dậy, khi cầm bút cảm thấy hồi hộp, xúc động hòa lẫn niềm vui say mê với suy nghĩ: cuộc đời mình đã có những khoảnh khắc đầy ý nghĩa, gắn liền với một thời điểm lịch sử cực kỳ vẻ vang của đất nước.

       Sau khi ký kết Hiệp đinh Paris, tháng 3 năm 1973, chúng tôi học sinh lớp Y22 Trường trung học Y tế Hà Tĩnh được lệnh vào Quảng Trị nhận nhiệm vụ mới. Vào một buổi chiều, chúng tôi không kịp chia tay với người thân, chỉ điện tín về cho gia đình, tất cả im lặng, gấp gáp hành quân trên hai chiếc xe tải. Chúng tôi ngồi xếp lớp trên thùng xe, nghỉ đêm tại một lán trại dọc dường ở Quảng Bình. Thời gian định sẵn, chúng tôi phải vượt cầu Hiền Lương trong đêm (Hiệp định Paris không cho phép miền Bắc chuyển quân qua cầu Hiền Lương chi viện cho Miền Nam). Chớm đất Gio Linh trời vừa hửng sáng, các bạn tôi vẫn còn nép vào nhau ngủ say sưa. Xe lao vun vút, những địa chỉ cột mốc hai bên đường làm tôi tỉnh hẳn. Dốc Miếu, Do Linh những địa danh còn nóng trên bản đồ, trên chiếc Radio cha tôi vẫn hàng ngày theo dõi. Đông Hà, Quảng Trị còn…km nữa, lúc đó chúng tôi nhận được tin: đi làm nhiệm vụ trao trả tù binh tại Thạnh Hãn, nơi vừa rải qua cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ thành cổ 81 ngày đêm. Một số bạn tôi bắt đầu cảm thấy nhớ nhà, thút thít khóc. Còn tôi, vui như sáo! Tôi cảm nhận có một điều gì mới mẻ, thú vị nhưng đầy ý nghĩa đang dâng lên trong lòng mình và ý nghĩ đó bay vụt về nhà: “Có lẽ cha mẹ tôi đang lo, nhưng nếu cha tôi biết công việc sắp tới của tôi, ông sẽ rất mừng. Cha tôi là chiến sĩ cách mạng, ông nắm bắt rất rõ về tiến trình, quy luật của cuộc chiến, cha tôi sẽ rất tự hào về con gái mình, và mẹ tôi sẽ yên tâm”. Tôi bỗng đứng lên trước thùng xe, gió hất tung mái tóc và tôi bật hát “Ta đi qua phố qua làng, ngọn đèn sáng giục lòng ta đó…”, hát mãi, hát say sưa.

       Quá trưa xe dừng lại ở một địa điểm chưa phải là cuối cùng, chúng tôi nhảy ào từ trên xe xuống, mệt lả vì đói. Trưa hôm đó chúng tôi được các chị bên Bộ Nội thương cho ăn một bữa cơm thịt hộp thật ngon lành. Rồi xe đưa đến một lán nhỏ trên đất Triệu Phong, là mảnh đất vừa được giải phóng. Cả vùng đất rộng lớn, hoang tàn, loang lỗ hố bom đạn. Tại đây chúng tôi sắp xếp vừa làm chỗ ăn, chỗ ở, vừa kê bàn học, xung quanh có hào giao thông, hầm trú ẩn (sau Hiệp định Paris, hai bên quân đội vẫn giữ yên vị trí, người ta ví như tấm da báo). Khi chúng tôi đến đây an ninh vẫn còn bất ổn, không được một mình đi khỏi lán trại, có hiệu lệnh là phải xuống hầm ngay.

       Toàn bộ công việc tại Thạch Hãn có biệt danh là T72 do đại tá Nam Thi chỉ huy, người mà chúng tôi chỉ nghe tên nhưng chưa bao giờ được gặp mặt. Chúng tôi nhận nhiệm vụ gián tiếp qua Trưởng đoàn là BS Vương Tùng - Chủ nhiệm Bộ môn Nhiễm, Bệnh viện Hà Tĩnh. Buổi lên lớp đầu tiên của chúng tôi được quán triệt về mặt tư tưởng: trên danh nghĩa chúng tôi là nhân viên y tế, đại diện cho chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam đón nhận và chăm sóc sức khỏe cho những người tù cách mạng trở về, với tinh thần và thái độ phục vụ tận tâm, lịch sự, thực hiện mọi quy định một cách nghiêm túc, dù chỉ một sơ suất nhỏ cũng gây ảnh hưởng chính trị rất lớn, tức là vi phạm Hiệp định.

       Hàng ngày xe đưa chúng tôi từ Triệu Phong đến Bến trao trả tại bờ sông Thạch Hãn. Bến trao trả là một khu phi quân sự, chiếm bãi bồi rộng trên bờ cát, xung quanh được bao bọc từng lớp hàng rào dây thép gai, ở giữa là lối đi, hai bên là hai dãy lều bạt, ngăn thành từng phòng nhỏ: phòng cấp cứu, phòng ghi tên, phòng thay quần áo, phòng làm việc của Ban quốc tế Đại diện của hai bên, Ban liên hiệp quân sự bốn bên, hai bên miền Bắc và Nam Việt Nam. Ngoài ra còn có những tổ chức, phóng viên của chính quyền Sài Gòn làm nhiệm vụ, nhưng thực chất chỉ là đặc vụ tâm lý chiến. Chúng tôi mặc đồ quân giải phóng, đội mũ tai bèo, đeo phù hiệu trước ngực. Phù hiệu mang màu sắc của nền cờ giải phóng, nổi bật con dấu tròn đỏ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh Quảng Trị, ở chính giữa là con số T72.

       Chúng tôi nhận nhiệm vụ ở tuyến trước, nơi ca nô chở người tù cập bến. Đó là một buổi sáng tháng ba, trời trong xanh, dòng sông lấp lánh ánh vàng. Dọc hai bên lối đi xuống mặt nước cờ giải phóng phấp phới vươn cao trước gió. Một tấm băng đỏ lớn với dòng chữ “Chào mừng những người con chiến thắng trở về” hướng về phía bên kia. Tất cả trang nghiêm và hồi hộp. Bờ sông bên kia chỉ có ít lùm cây non mới mọc, chiến tranh tàn phá nát Thành cổ không có gì đập vào mắt chúng tôi ngoài những cây cờ ba sọc khô khốc nhô lên. Chính sự có mặt của nó làm tôi hiểu thêm rất nhiều về hiệp định Paris, về cuộc chiến quyết liệt còn lại. Chúng tôi hướng tầm mắt về phía hai chiếc ca nô nổ máy đang chuyển động về bên này. Trên ca nô kín người, họ là những tù nhân chính trị bị giam cầm khắp nơi các nhà tù miền Nam, được chính quyền ngụy trao trả theo hiệp định Paris. Chiếc ca nô đi quá nửa sông bỗng một số người nhảy ào xuống nước bơi về phía bên này, có lẽ không có gì ngăn cản được niềm vui chiến thắng của người chiến sĩ cách mạng khi họ nhìn thấy lá cờ giải phóng đang phần phật kiêu hãnh tung bay như vẫy gọi trước gió. Không phải tù nhân nào cũng được khỏe mạnh, có những người từng bị tra tấn dã man, hễ nhìn thấy nước là ngất xỉu hoặc lên cơn co giật, có chị mới sanh được hai mươi ngày sức khỏe còn suy kiệt. Công việc sơ cấp cứu được phân loại nhanh chóng, những trường hợp nặng chuyển xe cấp cứu về tuyến sau ngay lập tức. những trường hợp nhẹ được đưa vào phòng y tế chăm sóc sức khỏe, tinh thần, ổn định xong sẽ chuyển xe riêng về tuyến sau. Không phải tù nhân nào cũng được biết Hiệp định Paris ký kết, họ được trở về với cách mạng. Đặc biệt địch còn cài bọn tâm lý chiến trà trộn vào những người được trả để nói xấu cách mạng, phản bác Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Gặp những trường hợp như thế, Bến lại rất căng thẳng, chúng tôi phải chờ đợi tới một hai giờ sáng.

       Dòng sông về đêm càng lạnh lẽo, trước mặt chúng tôi kẻ thù còn đó, điều gì có thể xảy ra, chúng tôi lặng nhìn nhau. Phút chốc dòng máu tuổi trẻ lại sục sôi, dù có chiến đấu hy sinh chúng tôi cũng sẵn sàng

       Những ngày không có lịch trao trả chúng tôi lên lớp học, với nhiệt tình và trách nhiệm, thây giáo Vương Tùng đã cho chúng tôi hoàn thành bộ môn Nhiễm trong thời gian công tác, không làm chậm trễ kỳ thi tốt nghiệp.

       Sáu tháng hoàn thành nhiệm vụ, trước khi trở lại trường tiếp tục học tập chúng tôi được về thăm nhà. Mẹ tôi mừng mừng tủi tủi, còn Cha tôi bắt tay tôi thật chặt, ôm tôi vào lòng và nói: “Con vừa từ mặt trận trở về, mặt trận không tiếng súng và con đã lớn khôn lên rất nhiều”. Để nhận ra mình ở lứa tuổi mười tám, quả thật chúng tôi còn quá trẻ để làm nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử trong cuộc chiến tranh giữ nước thần thánh và vĩ đại của dân tộc, là người thực thi Hiệp định Paris, vừa phải đối mặt với kẻ thù, vừa thể hiện được vai trò cao đẹp của người chiến thắng!

 

TP. Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 2017
Bài: Nguyễn Thị Kim Quy
Cựu học sinh lớp Y sỹ khóa 22, Trường Trung cấp Y tế Hà Tĩnh.