Hương Sơn: Xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường ngay sau lũ

Đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã khiến nhiều nhà dân trên địa bàn huyện Hương Sơn cùng với nhiều giếng nước sinh hoạt bị ngập lụt, ô nhiễm. Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn đã chỉ đạo, phân công cán bộ xuống tận địa bàn phối hợp với cán bộ trạm Y tế xã, thị trấn cùng lực lượng y tế thôn đến từng nhà dân hướng dẫn, giúp dân xử lý nước sinh hoạt, môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt trên toàn địa bàn huyện.

     Sau khi nước lũ rút ở một số nơi, ngành y tế đã tích cực triển khai khử khuẩn giếng nước, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ. Với phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, ngành y tế từ huyện đến cơ sở tích cực hướng dẫn, giúp dân xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt.

     Toàn huyện có 225 hộ gia đình, 132 giếng nước, 200 công trình vệ sinh, 4 trường học, 1 trạm Y tế, 1 chợ, 14 hội quán thôn và 1 UBND xã bị ngập lũ; 3 xã ngập diện rộng, ngập sâu gồm Sơn Tiến, An Hòa Thịnh và Kim Hoa. Trước lũ, Trung tâm Y tế huyện đã kịp thời cung ứng cho các địa phương 75 kg Chloramin B 25% và 125 kg phèn chua. 

Nước rút đến đâu người dân xử lý môi trường đến đó

     Tất cả các địa phương trong huyện bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trên địa bàn đều thực hiện phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó và xử lý các giếng nước đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân trên địa bàn. Trung tâm Y tế huyện phối hợp cùng các trạm Y tế xã phun khử khuẩn chloraminB tại các trường học, chợ bị ngập. Đến nay 100% giếng nước, trường học, trạm Y tế, các hội quán và UBND xã bị ngập đã được khử khuẩn. Cấp ủy, chính quyền huyện, các xã triển khai quyết liệt công tác vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh. Đồng thời tổ chức tuyên truyền khuyến cáo của Bộ Y tế đến người dân để chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp cấp, cảm cúm…. 

  1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
  2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng  trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
  4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
  5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
  6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
  7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
  8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất./.
    Khử khuẩn giếng nước
    Phung khử khuẩn tại trường học

Nguyễn Giang